học AI prompt: điều gì xảy ra khi chúng ta biết hết tất cả mọi thứ?

tiêu đề bài này (chắc lại) hơi giật.
nhưng chữ của cổ vẫn mong như mọi khi: mỏng dính như tờ giấy ăn ven đường.
bài này viết dạng kể chuyện linh tinh, không áp lực đọc cần hiểu ạ.

/chuyện số 1.

tầm độ mười năm trước, khi mình còn đi nghe những hội thảo phát triển kỹ năng, mình hay nghe mọi người hỏi: “anh chị trau dồi kiến thức của bản thân như thế nào?”

và các anh chị cũng thường hay trả lời: “cái gì khó quá – thì ta Google.”

/chuyện số 2.

tầm độ mười năm sau, khi mình (lại) đi nghe những hội thảo phát triển kỹ năng, câu nói trên đã có một biến thể khác. “cái gì khó quá – thì hỏi AI.”

/chuyện số 3.

khi mình (may mắn) được mời tham gia chia sẻ ở hội thảo phát triển kỹ năng. mình cũng hay dùng câu nói ở chuyện số 2, kèm theo một công thức nữa:

quãng đường = vận tốc x thời gian.

/chuyện số 4.

Google, hay ChatGPT – hay là các sản phẩm có cùng công nghệ ra đời liền giúp chúng mình đi được một quãng đường thật xa, trong thời gian thật ngắn.

thường thì làm điều này tốn sức – như cách các vận động viên chạy nước rút.
nhưng các công cụ này lại – nhàn tênh.

chúng mình có thể viết ngay một bài luận dài, tóm tắt lịch sử của thời kỳ nào đó.
chúng mình có thể phân tích ngay bài báo này lập luận chưa tốt ở đâu.

“chúng mình dường như có thể biết hết tất cả mọi thứ, chỉ với một vài thao tác thật nhanh” – bạn mình bảo.

“kết luận đó của cậu đang dựa trên một tiền đề – là kiến thức sẽ hết. vậy kiến thức có thật sự sẽ “hết” không? – mình trả lời.

cuộc trò chuyện khựng lại vài giây, trước khi bạn mình phì cười và bảo: “này, cậu lại như vậy nữa rồi”.

/chuyện số 5.

ngày đó trong lớp về Khoa Học Về Việc Học, chúng mình từng dành một tuần để trao đổi về hai câu hỏi lớn:

“có giới hạn nào cho kiến thức không?”

và,

“việc nhận định kiến thức có giới hạn hay không sẽ ảnh hưởng đến người học như thế nào?”.

hai câu hỏi này quan trọng không chỉ với chúng mình – những người làm chuyên môn về Trải Nghiệm Thiết Kế Học Tập, mà còn là bất cứ người học nào.

nhưng quan trọng hơn, là không có câu trả lời đúng sai cho hai câu hỏi đó, chỉ có – cách chúng mình chọn tin.

/(quay lại) chuyện số 4.

mình hay ví von ChatGPT và Google là những tấm vé máy bay hạng Thương Gia miễn phí dành cho người học.

leo lên chiếc máy bay đó, bay vèo vèo lên độ cao 10,000 mét, chúng mình nhìn được bao quát và tổng hợp về (nhiều) kiến thức của nhân loại: biết núi kia nằm ở đâu, biết sông nào đổ về biển, biết tòa nhà kia cao thật cao.

điều tiếc nuối ở độ cao 10,000 mét đó là – có cố gắng thế nào, ta cũng cũng không nhìn được chồi non mới nhú bên đường, hay là những chiếc thuyền nhỏ đang chèo trên dòng sông xa.

ở một “vũ trụ” khác, vẫn có những người miệt mài hàng chục năm trong phòng thí nghiệm, ở các hội thảo nghiên cứu khoa học, bên những quyển sách xưa cũ.

vận tốc của họ (tưởng như) thật chậm, thời gian của họ hình như thật dài, nhưng kể cả là vậy, họ vẫn là đang đi được những quãng đường rất xa.

/chuyện cuối cùng

vậy thì, điều gì xảy ra khi chúng ta biết hết tất cả mọi thứ?

lúc đó, sẽ có người gọi ta là thánh nhân?


Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com